Ngày nay que thử thai tại nhà trở nên phổ biến với các chị em phụ nữ, cho kết quả chính xác đến 80%. Tuy nhiên, lịch sử ra đời của chiếc que thử này có lẽ là điều mà nhiều người vẫn còn chưa biết. Vậy trước khi phát minh ra que thử thai, con người dùng cách nào để xác định mình có thai?
Trước Công Nguyên, người phụ nữ chỉ việc ngâm những hạt lúa mì và lúa mạch vào trong nước tiểu của mình để biết đã mang thai hay chưa.
Trước Công Nguyên: Ở Ai Cập, vào năm 1350, trước Công Nguyên, nếu muốn biết mình đã mang thai và mang thai con trai hay con gái, người phụ nữ chỉ việc ngâm những hạt lúa mì và lúa mạch thu hoạch được vào trong nước tiểu của mình và để như vậy trong một vài ngày.
Khi những hạt lúa nảy mầm, đó là kết quả cho biết họ đã mang thai. Nếu hạt nảy mầm là lúa mì, nghĩa là họ đang mang thai bé gái. Ngược lại, nếu hạt lúa mạch nẩy mầm nghĩa là bé trai đang được hình thành trong bụng họ. Đây là hình thức sơ khai nhất con người tìm cách nhận biết mình mang thai dựa vào một bài kiểm tra sinh hóa.
Sang đến thế kỷ 17 của thời Trung Cổ, tại châu Âu, màu sắc nước tiểu trở thành căn cứ để người phụ nữ xác định mình đã mang thai hay chưa. Nếu nước tiểu của họ có màu trắng đục hay vàng nhạt đó là một câu trả lời khá chính xác dành cho họ.
Màu sắc âm đạo: Trong khoảng 6-8 tuần đầu thai kỳ, âm đạo có thể có màu xanh đậm hoặc tím đỏ do sự gia tăng lưu lượng máu đến khu vực này. Dấu hiệu mang thai này lần đầu được nhận thấy vào năm 1836 bởi một bác sĩ người Pháp. Nó sau này được gọi là dấu hiệu của Chadwick, do bác sĩ James Read Chadwick công bố tại cuộc họp của Hiệp hội Phụ khoa Mỹ năm 1886.
Việc theo dõi màu sắc vùng âm đạo để thử thai về sau được gọi là “dấu hiệu Chadwick”. Tuy nhiên để nhận thấy “dấu hiệu Chadwick” đòi hỏi phải khám âm đạo, vì vậy nhiều phụ nữ không muốn dùng biện pháp này.
Khi bước sang thế kỷ 19, các dấu hiệu thai nghén như căng tức ngực, quầng vú thâm, nôn ói, căng thẳng, mất kinh… là căn cứ để phụ nữ nhận biết việc mang thai.
Đến năm 1927, loại hormone HCG được biết đến như một câu trả lời cho việc mang thai rõ ràng nhất khi kiểm tra nước tiểu của người phụ nữ. Lúc này, người ta tiến hành tiêm nước tiểu của người phụ nữ vào một chú chuột nhắt hoặc thỏ. Nếu con vật không phản ứng với nước tiểu được tiêm vào thì có thể biết người phụ nữ đó chưa mang thai. Ngược lại, nếu thấy buồng trứng của chúng tăng trưởng thì đồng nghĩa với việc người phụ nữ đó đã mang thai.
Trong những năm thập niên 1930-1940, người phụ nữ đã bắt đầu nhận thức việc xác định chuyện có mang thông qua các bác sĩ thay vì suy đoán theo các phương pháp dân gian.
Đến năm 1970, que thử thai tại nhà đã xuất hiện và được phép bày bán tại những hiệu thuốc ở Mỹ. Loại que này do chính Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ tạo ra. Tuy nhiên, không lâu sau đó, nó đã bị cấm lưu hành.
Vào cuối năm 1977, que thử thai đã được phép lưu hành rộng rãi khắp nước Mỹ. Và chỉ sau một năm, tức năm 1978, các trang quảng cáo về que thử thai đã bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí phụ nữ danh tiếng thời bấy giờ.
Từ năm 2003 đến nay, các cải biến và “phiên bản” mới của que thử thai tại nhà liên tục được ra đời với cách thử đơn giản, nhanh chóng và cho kết quả chính xác hơn. Người phụ nữ chỉ sau khoảng 6-9 ngày quan hệ, có thể sử dụng que thử thai tại nhà để biết được mình đã có mang hay chưa. Hiện tại, que thử thai trên thị trường phổ biến là que thử giấy và que thử điện tử. Cả hai đều cho kết quả chính xác như nhau.